Người dân nghĩ gì khi Tràng Tiền Plaza khai trương?

Trong không khí náo nhiệt, ông Lê Minh Tâm, Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Tràng Tiền, cao hứng đọc cho phóng viên VnExpress nghe hai câu trong bài thơ lục bát ông sáng tác: “Trung tâm Thương mại Tràng Tiền, cái tên đẹp nhất gắn liền ý dân…”

Người dân nghĩ gì khi Tràng Tiền Plaza khai trương?Tối nay, trời Hà Nội rét cắt da cắt thịt. Song điều đó cũng không ngăn nổi dòng người đổ tới chứng kiến lễ khánh thành trung tâm. Giao thông trên tuyến phố Hai Bà Trưng tắc nghẽn. Vỉa hè phố Hàng Bài (đoạn đối diện với tòa nhà) chật cứng người.

tt
Tổng công ty Vinaconex được khen thưởng vì đã đảm bảo tiến độ và chất lượng thi công công trình (1/2/2002).

Đúng 17h30, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Phan Văn Vượng cùng đại diện các bộ Thương mại, Xây Dựng và Lao động Thương binh và Xã hội cắt băng khánh thành và gắn biển cho công trình.

Cụ Trần Quang Vinh (nhà ở khu tập thể Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nói với VnExpress: “Tôi không thể tưởng tượng tòa nhà mới lại đẹp như thế này. Thời bao cấp, tôi thường xuyên đến tham quan và mua sắm tại bách hóa tổng hợp. Yêu mến bách hóa cũ bao nhiêu, tôi càng mừng bấy nhiêu khi nhìn thấy tòa nhà mới khang trang nhường này; tôi còn yêu mến nó gấp bội”.

Khi được hỏi liệu có tiếp tục đến đây mua sắm nữa không, cụ Vinh bảo: “Tôi sẽ đưa nhà tôi đến đây. Tôi năm nay tròn 80, còn bà vợ tôi 75 tuổi. Tôi sẽ đèo bà ấy bằng xe đạp lên chỗ này để cho bà ấy thấy Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền đã đổi thay như thế nào, cho bà ấy chung vui với tôi”.

Sự cố bên lề lễ khai trương

Buổi lễ long trọng lẽ ra sẽ thành công mỹ mãn nếu chùm đèn ngay giữa đại sảnh của Tràng Tiền Plaza không rơi bịch xuống lối đi trải thảm đỏ chói. Thật may là khối thuỷ tinh rực rỡ không nhằm trúng ai. Bởi vào thời khắc ấy, các quan khách đang ngự trên tầng 5, hồ hởi chúc mừng sự thành công của công trình.

Những mảnh vỡ nhanh chóng được dọn dẹp. Đội ngũ nhân viên thở phào nhẹ nhõm vì không có mấy ai chứng kiến chuyện rủi ro này. VnExpress quả cũng gặp may. Nếu phóng viên ảnh của báo đi chậm hai bước, còn tôi, người viết bài này, đi nhanh thêm một bước, thì đã hứng trọn cả chùm đèn đó.

Nép mình trong một góc khuất, cụ bà Hòa nheo nheo mắt ngắm nhìn Tràng Tiền Plaza. Năm nay 89 tuổi, mắt đã kém, tai cũng khó nghe, nhưng cụ một mực đòi cô con gái đưa đến đây. Cụ tâm sự: “Tôi muốn đến xem Bách hóa Tổng hợp. Đã nhìn thấy rồi. Đẹp quá”.

Ông Lê Minh Tâm cũng nhận xét là tòa nhà “thật đẹp và hiện đại, xứng đáng là trung tâm kinh tế, văn hóa của thủ đô”. Vì nhà ở gần đây, lại là đại diện cho những người cao tuổi của phường, ông Tâm luôn quan tâm theo dõi quá trình thi công xây dựng công trình. Chính ông cùng bà con trong phường đã góp ý kiến đề nghị đặt tên cho tòa nhà là Trung tâm Thương mại Tràng Tiền Plaza, thay vì Tràng Tiền Plaza như dự định trước đây.

Đôi điều trăn trở

Dường như vẫn chưa quên kỷ niệm những lần dán mũi vào cửa kính tòa nhà Goda (tên cũ của bách hóa tổng hợp) sau mỗi lần tan học, cụ Lê Khắc Thành (số nhà 22, Tràng Tiền) tâm sự: “Nhà Goda được người Pháp xây dựng trên đất của thôn Tràng Tiền cũ và một phần của hồ Hoàn Kiếm. Hồi ấy, người Hà Nội đến Goda như đi Sở Thú vậy, chỉ dám ngắm thôi. Tới khi trở thành bách hóa tổng hợp, nơi đây mới thực là địa điểm mua sắm, tham quan của người dân thủ đô và các địa phương khác. Hình ảnh Bách hóa Tràng Tiền đã ăn sâu vào tâm khảm của bao người”.

Năm nay đã ngoài 80, cụ Thành vốn là nhà giáo dạy môn lịch sử ở Trường PTTH Đống Đa. Tổ tiên cụ đã sinh sống và làm ăn ở mảnh đất kinh kỳ từ hơn 570 năm trước. Chính vì vậy, cụ luôn đau đáu với những giá trị lịch sử và văn hóa của mảnh đất nghìn năm văn vật này. Tuy mừng vui trước sự ra đời của một tòa nhà khang trang hiện đại giữa lòng thủ đô, nhưng cụ Thành vẫn băn khoăn: “Kiến trúc của nó hơi nặng nề. Và điều quan trọng là nó đã làm mất đi giá trị lịch sử của bách hóa tổng hợp”.

Thanh Thủy

Ảnh: Xuân Thu